Méo mặt vì chanh dây đột ngột rớt giá thê thảm

Nếu như những năm trước, giá chanh dây ở Tây Nguyên cao chót vót có thời điểm lên đến 56 ngàn đồng/kg thì đến thời điểm hiện nay chỉ bằng 1/10.

Năm 2016, trung bình 1 ha chanh dây sau khi thu hoạch, trừ hết các khoản chi phí người trồng thu về 350-400 triệu đồng. Bởi giá thời điểm đó lên tới 40.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm tăng vùn vụt lên đến 56.000 đồng/kg.

Nhưng đến thời điểm đầu năm 2017 giá chanh dây ở Tây Nguyên giảm mạnh chỉ còn 10 -15.000/kg, còn đến thời điểm hiện tại chỉ còn từ 3000-5.000 đồng/kg.

Chia sẽ với chúng tôi, anh Phạm Văn Dũng, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk cho biết: “Năm 2016 thấy nhiều hộ dân trên địa bàn trồng chanh dây thắng lớn, cho hiệu quả kinh tế cao nên năm nay tôi đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng 0,8 ha chanh dây. Tuy nhiên, thời điểm tôi bắt đầu thu hoạch cũng là lúc giá chanh dây xuống thấp quá. Nếu so với năm trước, thì năm nay tôi thất thu lớn rồi”.

Chị Lê Thị Liên-một thương lái thu mua chanh dây ở huyện Krông Păc cho biết thêm: Những năm trước, giá chanh dây cao nên việc thu mua dễ dàng, người dân cũng phấn khởi. Năm nay, giá thu mua đã thấp mà rủi do cao nên tôi  không giám “ôm” nhiều bởi giá do chủ đại thu gom quyết định và lên xuống hàng ngày.

Người dân Tây Nguyên đổ xô vào trồng chanh dây đang phải đối diện với giá cả xuống thấp. Ảnh: Trí Tín

Theo thống kê chưa đây đủ thì trên địa bàn Tây Nguyên có khoảng trên dưới 5.000 ha chanh dây, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Trong đó trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 500 ha chanh dây, tập trung chủ yếu tại các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Pắc…

Được biết, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên việc trồng chanh dây chủ yếu do người dân tự phát, trồng theo phong trào nên rủi ro cao về giá cả.
Do vậy ngoài việc khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân không phát triển chanh dây một cách ồ ạt mà bản thân người nông dân cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đổ xô vào trồng các loại cây theo phong trào.

Scroll