Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV, ông Nguyễn Nguyên Hùng cho rằng, ngay cả với kịch bản thị trường hàng không tăng trưởng thấp nhất thì đến năm 2020 sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ quá tải.
Ông Hùng cho rằng, ngay với kịch bản thị trường hàng không tăng trưởng thấp nhất thì đến năm 2020 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tại TPHCM cũng quá tải. Ông Hùng đưa ra ý kiến trên tại hội thảo lấy ý kiến cho báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, được bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 8-7 tại Hà Nội.
Ông Hùng cho biết, theo kinh nghiệm thì từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư đến chuẩn bị thiết kế, thu xếp vốn, giải tỏa, xây dựng…đến khi có được một cảng hàng không quốc tế mất khoảng 10 năm. Nên lúc này việc quyết định xây sân bay Long Thành là đã muộn. “Đáng ra bây giờ chúng ta đã chuẩn bị khởi công để đến năm 2020 có được một cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm để chia sẻ với sân bay Tân Sơn Nhất”, ông nói.
Theo báo cáo của ACV, dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ được mời gọi đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Ước tính giai đoạn 1 của dự án (2014 -2020) sẽ cần khoảng 5,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó, vốn Nhà nước và ODA chiếm khoảng 53%, còn lại là vốn tư nhân.
Theo tài liệu của ACV để phục vụ cho hội thảo lấy ý kiến dự án sân bay quốc tế Long Thành, dự án đang hoàn tất những khâu cuối cùng để trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 10 năm nay.
Kết quả dự báo sản lượng hàng không do đơn vị lập Báo cáo đầu tư là Công ty Tư vấn hàng không Nhật Bản (JAC) công bố sáng nay (8-7) cho thấy, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất 20 - 25 triệu hành khách/năm trong khoảng từ năm 2018 đến năm 2020 và quá tải sau đó.
Cùng với kịch bản xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đơn vị tư vấn cũng đặt ra hai kịch bản khác là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa lên quy mô tương đương. Tuy nhiên, sau khi phân tích các yếu tố: đền bù giải tỏa, tác động môi trường (tiếng ồn), tổng chi phí…tư vấn đã kiến nghị phương án xây mới sân bay Long Thành.
Trước đó, vị trí và quy mô sân bay Long Thành đã được Chính phủ quy hoạch từ năm 2005 - là sân bay duy nhất ở Việt Nam được chọn là cảng hàng không trung chuyển quốc tế sẽ nằm trên địa phận huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với diện tích chiếm đất 5.000 ha. Sân bay này cách sân bay quân sự Biên Hòa 32 km, cách sân bay Tân Sơn Nhất 43 km, có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; tiếp nhận được loại máy bay A380 và tương đương. Sân bay Long Thành có công suất đủ để thỏa mãn nhu cầu vận tải hàng không trong khu vực vào năm 2030.
Với phương án tư vấn Nhật Bản đưa ra thì chi phí xây dựng sân bay Long Thành vào khoảng 7,817 tỉ đô la Mỹ, chi phí thu hồi đất là 730 triệu đô la Mỹ (1.500 hộ dân tái định cư). Trong khi đó, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì cần tới 9,15 tỉ đô la Mỹ chỉ cho chi phí xây dựng.
Việc phát triển sân bay Biên Hòa cũng không có tính khả thi dù có chi phí xây dựng tương đương nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lớn, lên đến hàng tỉ đô la Mỹ và phải bố trí thêm một căn cứ không quân thay thế.
Theo đề xuất của JAC, dự án xây dựng sân bay Long Thành cần được sớm hoàn thiện Báo cáo đầu tư để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt vào kỳ họp cuối năm nay, trước khi tiến hành một loạt các bước chuẩn bị đầu tư bao gồm: thiết kế, huy động vốn để sớm khởi công và hoàn thành bước đầu vào năm 2022.
Theo nhận định của ông Hùng, nếu dự án được xúc tiến nhanh thì cũng phải tới năm 2023 hoặc năm 2024, sân bay quốc tế Long Thành mới bắt đầu khai thác.
Theo kế hoạch được công bố trước đây, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công vào năm 2015. Dự kiến, để xây dựng dự án cần khoảng 24.000 lao động thi công.
Để chuẩn bị cho dự án, mới đây tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí 4.100 tỉ đồng để xây các khu tái định cư và gần 4.200 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng giai đoạn 1.
Tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị chủ đầu tư xác định nhu cầu sử dụng lao động và phối hợp với tỉnh để đào tạo nghề cho hơn 10.000 người dân bị thu hồi đất.
nhadongnai.com.vn - Theo TBKTSG