PV:- Phó Thủ tướng có thể tiết lộ thêm những nguồn có thể huy động vốn cho dự án sân bay Long Thành?
Trong bối cảnh nợ công đang tăng cao, VN phải vay về trả nợ việc huy động vốn cho một dự án lớn như sân bay Long Thành là vô cùng khó khăn, Phó Thủ tướng chia sẻ thế nào với tâm lý lo lắng, quan tâm của các ĐBQH, thưa ông?
PTT Vũ Văn Ninh: Vấn đề này Bộ GTVT cũng đã nói nhiều rồi, khi thảo luận sẽ làm rõ thêm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế, tài chính đang gặp nhiều khó khăn, VN phải đi vay về trả nợ thì lo lắng của dư luận là có lý. Tuy nhiên, chúng ta phải tính toán bài toán lâu dài, có thể làm trong một vài năm, cũng có khi lâu hơn nữa chứ không nhất thiết phải làm ngay một lúc. Như tôi đã nói, chúng ta đang trong bối cảnh phải đi vay về để trả nợ nên phải tính toán làm sao đầu tư có hiệu quả nhất, khi đầu tư có hiệu quả chúng ta sẽ có tiền để trả nợ.
Quay trở lại câu chuyện nợ công, phải thừa nhận nguồn tài chính của VN hiện đang rất khó khăn nhưng nhìn vào bản chất thì nó không làm chúng ta phải quá mất bình tĩnh hoặc phải hoảng loạn vì việc đó. Tổng nợ/GDP chỉ là một chỉ tiêu nhưng nó chưa phải là chỉ tiêu đánh giá quan trọng nhất. Có những nước nợ công lên tới 100% GDP nhưng nền tài chính của họ vẫn khỏe mạnh, an toàn, nhưng lại có những nước nợ công chỉ có 20-30% mà vẫn có nguy cơ vỡ nợ. Đó là vì họ nợ nhưng không có khả năng trả nợ được.
Vậy thì bài toán ở đây không phải là dự án lớn, vốn nhiều, tiền đâu mà phải là dự án này làm ăn có hiệu quả hay không, có khả năng trả được nợ không đó mới là điều quan trọng.
Tôi lấy ví dụ như trong một gia đình, muốn xây một ngôi nhà nhưng phải đi vay tiền. Đi vay rồi thì phải đi cày để trả nợ, nếu anh chăm chỉ, làm việc hiệu quả anh sẽ có tiền trả nợ, nếu anh không làm việc không có tiền trả nợ thì sẽ bị vỡ nợ.
PV:- Theo tính toán, tổng vốn giai đoạn 1 là 47.859 tỉ đồng (29,1%) do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vay lại vốn ODA của Chính phủ và nhận tự hoàn trả; vốn ngân sách nhà nước là 24.081 tỉ đồng (14,6%). Số tiền ngân sách bỏ ra không nhỏ, lại đặt trong bối cảnh nợ công tăng cao, VN đi vay về trả nợ... Chính phủ đã có cân nhắc tính hiệu quả của dự án sẽ mang lại sau khi hoàn thành chưa. Vì thời gian 5 - 10 năm cũng không còn xa, thưa ông?
PTT Vũ Văn Ninh: Khi Chính phủ đưa ra chủ trương xây dựng dự án tức là cũng phải đưa ra được bài toán tổng thể cho dự án này, có thể chưa hoàn toàn đầy đủ nhưng ít nhất cũng là sơ bộ về định hướng. Việc quyết định có cho làm hay không phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chắc chắc sẽ có những tính toán cụ thể.
Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay nếu trông trờ đầu tư hoàn toàn từ ngân sách là rất khó. Có thể Chính phủ sẽ tính toán mở cửa, kêu gọi các nhà đầu tư từ bên ngoài cùng tham gia theo hình thức công - tư kết hợp, tức là sẽ có cả nhà nước và tư nhân cùng làm.
PV:- Chính phủ có tính tới phương án để DN tự xoay sở vốn tự làm tự chịu vì trong trường hợp nhà nước bảo lãnh cho DN vay vốn nhưng nếu gặp rủi ro, không hiệu quả nhà nước vẫn phải gánh nợ thay, thưa ông?
PTT Vũ Văn Ninh: Đó cũng là một giải pháp cần nghiên cứu, tuy nhiên nó phải phụ thuộc vào nhà đầu tư. Thông thường với các công trình lớn, nhiều nước đã thuê tư vấn quốc tế lập dự án, được các định chế tài chính thẩm định. Nếu hiệu quả, chủ đầu tư có thể vay ngân hàng mà không cần bảo lãnh, không lo nợ công.
Nhưng hiện dự án vẫn chưa được thông qua chủ trương, mới được đưa ra để lấy ý kiến Quốc hội, muốn làm được như vậy thì phải ở giai đoạn sau, khi đã thống nhất được về mặt chủ trương.
PV:- Trong trường hợp không được QH thông qua, Chính phủ có bàn phương án sẽ dừng dự án này không, thưa ông?
PTT Vũ Văn Ninh: Câu hỏi này khó quá. ĐBQH lo lắng là đúng vì đó là thể hiện trách nhiệm. Về phía Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình minh bạch, làm rõ các nguồn đầu tư, Quốc hội sẽ quyết định dựa trên nguyên tắc đặt lợi ích của quốc gia lên trên. Người làm cũng phải tính như vậy chứ không phải cứ làm tới là được.
PV:- Xin hỏi ông câu cuối, là ĐBQH ông có bấm nút cho dự án này được thông qua không?
PTT Vũ Văn Ninh: Dự án chưa được thông qua, mới chỉ là xin ý kiến về mặt chủ trương. Tuy nhiên, tôi cho rằng, về định hướng lâu dài dự án là cần thiết vì: Thứ nhất nó đáp ứng cho nhu cầu phát triển, giải quyết tình trạng quá tải cho các cảng hàng không hiện đang nay. Trong khi những địa điểm cũ cơ hội mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại cũng khó khăn.
Thứ hai, nếu chúng ta không làm sẽ không cạnh tranh được với các nước láng giềng và dần bị mất lợi thế.
Cái khó hiện nay là bài toán huy động vốn, vấn đề này phải có tính toán kỹ làm sao khi quyết định sử dụng ngân sách phải nhìn thấy hiệu quả thế nào; có ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia, an ninh nợ công hay không... tất cả phải được tính toán kỹ lưỡng, cụ thể.
PV:- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Nguồn: http://baodatviet.vn/